Trộm cắp nước được hiểu như thế nào? Người thực hiện hành vi trộm cắp nước có vi phạm pháp luật không?
Trộm cắp nước là gì?
Trộm cắp nước được giải thích tại khoản 15 Điều 2 Nghị định 117/2007/NĐ-CP là hành vi lấy nước trái phép không qua đồng hồ đo nước, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của đồng hồ và các thiết bị khác có liên quan đến đo đếm nước, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số đồng hồ và các hành vi lấy nước gian lận khác.
Người thực hiện hành vi trộm cắp nước có vi phạm pháp luật không?
Người thực hiện hành vi trộm cắp nước có vi phạm pháp luật không, thì theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định 117/2007/NĐ-CP như sau:
Các hành vi bị cấm trong hoạt động cấp nước
1. Phá hoại các công trình, trang thiết bị cấp nước.
2. Vi phạm các quy định về bảo vệ khu vực an toàn giếng nước ngầm, nguồn nước mặt phục vụ cấp nước.
3. Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn tuyến ống nước thô, đường ống truyền tải nước sạch, các công trình kỹ thuật và mạng lưới cấp nước.
4. Cản trở việc kiểm tra, thanh tra hoạt động cấp nước.
5. Trộm cắp nước.
6. Gây ô nhiễm nước sạch chưa sử dụng.
7. Cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động cấp nước.
8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây phiền hà, sách nhiễu các tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động cấp nước.
9. Đơn vị cấp nước cung cấp nước sạch cho mục đích sinh hoạt không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
10. Các hành vi phát tán chất độc hại và các bệnh truyền nhiễm, bệnh dễ lây lan.
11. Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cấp nước.
Theo quy định trên thì trộm cắp nước là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động cấp nước. Cho nên người thực hiện hành vi trộm cắp nước là hành vi vi phạm pháp luật.
Trộm cắp nước bị xử lý thế nào?
Hình thức xử phạt hành vi trộm cắp nước được quy định tại Điều 7 của Hợp đồng dịch vụ cấp nước như sau:
Điều 7. Nguyên tắc tính toán truy thu tiền nước, bồi thường thiệt hại.
7.1. Đục phá đường ống trái phép.
- Bồi thường thiệt hại: Vi phạm đường ống nào thì phải bồi thường loại đường ống đó theo nguyên tắc: Thanh toán toàn bộ kinh phí (Vật tư và nhân công) để khôi phục lại đường ống nguyên như cũ về lưu lượng, áp lực nước, vị trí đặt ống.
- Truy thu tiền nước: Thời gian tính toán ít nhất là 360 ngày, lưu lượng nước ít nhất là 2m3/ngày, giá nước tính toán là giá kinh doanh dịch vụ.
7.2. Lấy nước không qua đồng hồ dưới mọi hình thức.
- Bồi thường thiệt hại: Tính toán như điểm a khoản 7.1.
- Truy thu tiền nước: Thời gian tính kể từ ngày lắp đồng hồ, lưu lượng nước ít nhất là 2m3/ngày, giá nước là giá kinh doanh dịch vụ.
7.3. Tự ý di chuyển đồng hồ, tự ý tháo lắp đồng hồ, làm đứt kẹp chì đồng hồ không có lý do và không báo cáo ngay cho bên B.
- Bồi thường toàn bộ chi phí cho việc tháo, kiểm định lại đồng hồ, lắp lại đồng hồ.
- Thu tiền nước bằng một tháng cao nhất trong năm với giá nước kinh doanh dịch vụ.
7.4. Xây dựng công trình hoặc các hoạt động khác làm vỡ, hỏng đường ống nước gây thất thoát nước (không cố ý).
- Bồi thường thiệt hại: như điểm a khoản 7.1.
- Bồi thường tiền nước thất thoát: Khối lượng nước tính toán căn cứ theo đường kính ống, kích thước điểm vỡ và thời gian nước chảy thất thoát. Giá nước tính toán là giá sản xuất.
Trộm cắp nước có bị ở tù không?
Hành vi trộm cắp nước có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm có thể bị truy cứu các mức khác nhau.